Nhiều người đã viết bài lo sợ và không tin tưởng vào giá trị của Bitcoin vì thấy nó vô lý. Tuy nhiên, tôi không có cùng suy nghĩ với họ. Tiền tệ ra đời bắt đầu từ nhu cầu trao đổi hàng hoá của con người. Ở thuở sơ khai, tiền tệ chỉ là những mảnh vỏ sò, đất sét nung, da thú.
Đến khi con người phát hiện ra kim loại và kỹ thuật luyện kim phát triển, tiền tệ là những đồng xu bằng đồng, bạc, vàng. Dần dà, những người đi buôn thấy thật bất tiện khi lúc nào cũng kè kè tiền kim loại bên người vì chúng quá nặng. Khi đó, tiền giấy với sự bảo chứng của kim loại lý (bản vị vàng, bạc) ra đời để giải quyết vấn đề này.
Vậy, tại sao người ta chấp nhận vỏ sò, đất sét nung, đồng xu kim loại và tiền giấy như một vật có giá trị ngang hàng để trao đổi hàng hoá? Ví dụ 50 vỏ sò đổi lấy một con gà, 2 đồng xu vàng đổi lấy một con ngựa. Câu trả lời đơn giản là do niềm tin. Chỉ cần một cộng đồng hoặc một nhóm người đủ lớn đặt niềm tin vào một vật được xem là tiền tệ, thì ngay lập tức nó sẽ có giá trị. Dĩ nhiên đi từ vỏ sỏ lên vàng bạc, hay tiền giấy chính là những bước tiến hoá của tiền tệ. Nó đi từ vật phổ thông, dễ vỡ, dễ tìm kiếm (vỏ sò…) lên kim loại (hiếm do khai thác khó khăn, nguồn cung có hạn…) và tiền giấy (tiện lợi).
Vì thế theo tôi, Bitcoin nói riêng và tiền số nói chung là bước tiến hoá tiếp theo của tiền tệ. Khi niềm tin của nhiều người đặt vào Bitcoin, giá nó sẽ tăng. Khi nhiều người cảm thấy do dự và sợ hãi, không tin tưởng nữa, giá nó sẽ giảm. Những biến động về giá trị của Bitcoin là hiển nhiên. Chúng có thể trồi sụt với biên độ lớn, vì đây chỉ là buổi sơ khai của tiền số. Đây cũng là câu chuyện của niềm tin mà thôi.
Cứ giả định rằng trong tương lai, hàng tỷ người cùng có chung một niềm tin vào Bitcoin, thì phải chăng nó nghiễm nhiên sẽ có địa vị tương đương với vàng, bạc?
Hiện tại, Bitcoin có đặc điểm của tiền tệ: Đáng giá, lưu thông, dự trữ, thanh toán. Chúng ta gần như không thể tự tạo ra Bitcoin, nhưng có thể “khai thác” được Bitcoin, đây đặc tính quan trọng của vàng. Bitcoin không thể bị làm giả. Chi phí kiểm định chất lượng vàng rất cao, còn việc kiểm định Bitcoin không hề tốn chi phí nào.
Một điểm ưu việt của Bitcoin là đơn vị tiền tệ có thể chia nhỏ ra tới mức gần như vô hạn, giúp cho việc thanh toán chính xác rất dễ dàng.
Nhiều người nói việc dùng máy tính “đào” Bitcoin gây ô nhiễm. Nhưng xin hỏi, các hoạt động in tiền giấy hoặc khai thác mỏ vàng, bạc có tốn kém và gây ô nhiễm không?
Vì vậy theo tôi, có thể xem Bitcoin là một khoản đầu tư dài hạn. Trong tương lai, chắc chắn nó sẽ sinh lời. Điều này đã được thời gian kiểm chứng: Nếu mua Bitcoin khi tiền điện tử này ra đời vào năm 2009, nhà đầu tư sẽ lãi hàng triệu hoặc hàng tỷ USD bởi giá trị ban đầu của Bitcoin bằng 0. Vào khoảng tháng 10/2010, tiền điện tử này có giá khoảng 10 cent.
Theo tính toán của CNBC, với 100 USD, nhà đầu tư có thể mua khoảng 1.000 Bitcoin vào tháng 10/2010. Nếu giữ nguyên số Bitcoin này tới nay, nhà đầu tư sẽ sở hữu hơn 48 triệu USD, tính theo mức giá ngày 12/2.
Nếu bạn bỏ vài trăm USD nhàn rỗi ở thời điểm này để mua Bitcoin và “quên” nó đi, biết đâu 5-7 năm nữa vào một ngày đẹp trời, bạn thành triệu phú USD thì sao?
[su_note note_color=”#ffffff”][perfectpullquote align=”full” bordertop=”false” cite=”” link=”” color=”#f8b60d” class=”” size=””] Bài viết được đăng tải trên mục Ý kiến của báo VnExpress, nó không phản ánh quan điểm của Toiyeubitcoin. [/perfectpullquote][/su_note]
Theo toiyeubitcoin.com